Các phương pháp thu ảnh Máy ảnh số

Từ thời của những máy chụp ảnh số đầu tiên tới nay, đã có ba phương pháp chính để thu ảnh, dựa trên các loại bộ cảm biến và lọc màu khác nhau.

Phương pháp thứ nhất gọi là chụp-một-lần. Bộ cảm biến được rọi sáng một lần. Máy kiểu này có một bộ cảm biến với bộ lọc màu Bayer, hoặc là có ba bộ cảm biến (cho ba màu cơ bản đỏ-lục-lam) được rọi sáng cùng lúc bởi ba tia sáng tách ra bằng bộ tách sáng.

Phương pháp thứ hai gọi là chụp-nhiều-lần. Bộ cảm biến được rọi sáng ít nhất ba lần liên tiếp. Có vài cách dùng phương pháp này. Thông thường nhất là dùng một bộ cảm biến với ba kính lọc lần lượt được đưa ra trước bộ cảm biến để thu lấy từng màu. Một cách khác là dùng một bộ cảm biến với bộ lọc Bayer giống như trên nhưng dịch bộ cảm biến nhiều lần để mỗi pixel nhận sáng vài lần để trộn lại thành ảnh có độ phân giải gấp nhiều lần độ phân giải của bộ cảm biến. Cách khác nữa là kết hợp vừa thay kính lọc vừa dịch bộ cảm biến (không có bộ lọc màu Bayer).

Phương pháp thứ ba gọi là quét. Bộ cảm biến được kéo trên mặt phẳng hội tụ sáng giống như bộ cảm biến của máy scan để bàn. Bộ cảm biến có thể là một hàng hay ba hàng (ba màu). Trong một số trường hợp việc scan không phải do kéo bộ cảm biến mà do quay camera; máy chụp ảnh số quay có thể tạo ra ảnh có độ phân giải rất cao. Khi góc quay rộng thì chụp ra ảnh panorama.

Tuỳ theo đối tượng cần chụp mà người ta dùng phương pháp thu ảnh nào. Ví dụ để chụp vật di chuyển thì phải dùng phương pháp chụp-một-lần. Còn để chụp tĩnh vật với độ phân giải cao thì người ta dùng phương pháp chụp-nhiều-lần.

Gần đây, máy chụp ảnh theo phương pháp chụp-một-lần đã có nhiều cải tiến nên đây là loại phổ biến nhất trong các kiểu máy thương mại.